Do ảnh hưởng khốc liệt của dịch Covid-19, doanh nghiệp trên toàn cầu nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, đang chịu những thiệt hại cũng như sẽ phải đối mặt thách thức lớn không chỉ trong năm 2020 mà dự báo còn kéo dài vài năm tới.
Hàng ngàn Doanh nghiệp lao đao, phá sản
Dịch Covid-19 đã hoành hành hơn 2 tháng tại Việt Nam và cao điểm nhất từ đầu tháng 3 đến nay. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm có hơn 16.200 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, số chờ giải thể hơn 9.400 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 2.800 doanh nghiệp, trong đó có 2,5 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng.
Theo khảo sát nhanh với cấp quản lý hay nhân viên của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, COVID-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh và hoạt động chung của mọi ngành nghề. Tuy nhiên ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực, cũng như mức độ tác động thì còn phụ thuộc vào ngành nghề cụ thể.
Đối với doanh nghiệp dịch vụ, một loạt các doanh nghiệp phá sản do phải thuê mặt bằng kinh doanh giá cao, giờ họ phải đàm phán để giảm giá, để tồn tại, để khôi phục… nếu không làm được việc đó họ sẽ tự đóng cửa. Đối tượng này là các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ không kịp thích ứng với bối cảnh hiện tại.
Các doanh nghiệp vừa thì sao? Việc sản xuất kinh doanh sẽ giảm dần, sản xuất cầm chừng và giãn, giảm công nhân tối đa bởi nguồn cung cho các nhà máy lớn, cho xã hội giảm, do giá cả tụt dốc… Như vậy, việc hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc do dịch là vấn đề rất lớn đối với loại hình doanh nghiệp này.
Với các ngành vận tải, vận tải đa phương thức, logistics sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do phải dừng hoạt động các phương tiện và lưu kho bãi hàng hóa… tiền khấu hao, tiền nuôi bộ máy kỹ thuật… Nói chung tổng nguồn chi giảm không đáng kể nhưng thu không có hoặc hạn chế dẫn đến tổn thất cho doanh nghiệp rất lớn. Chưa kể các khoản chi phí tăng do việc vệ sinh dịch tễ sau này sẽ kéo theo doanh nghiệp lỗ nặng.
Dịch bệnh hiện nay, doanh nghiệp bị ảnh hưởng tức thì như một cú đánh vào thái dương mà để theo được chính sách lại cần có thời gian để các bên thoả thuận đồng cảm với nhau mới có thể gỡ được. Trong tình thế này, nếu doanh nghiệp nào không có lực lượng nhân sự tinh nhuệ, thì sẽ rơi vào tình trạng mất kiểm soát ngay vì vậy chiến lược đào tạo nhân sự, có chính sách và giải pháp hợp lý, giữ yên ổn nhân sự lúc này cực kỳ quan trọng đối với doanh nghiệp.
Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đang được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ, nhiều loại thuế sẽ được Nhà nước cho doanh nghiệp giãn nộp. Đó là 4 loại thuế: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đề xuất thời hạn chậm nộp thuế giá trị gia tăng (trừ thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu) 5 tháng đối với số thuế phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế tháng 3, 4, 5 và tháng 6-2020 (đối với trường hợp kê khai thuế VAT theo tháng) và kỳ tính thuế quý 1 và 2-2020 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý).
Doanh nghiêp vẫn nộp đủ thuế cho nhà nước đến tháng 10. Nhà nước vẫn thu đủ thuế cho ngân sách, nhưng lúc đó liệu dịch bệnh hoặc doanh nghiệp chết sâu đã hồi phục chưa, đã đủ điều kiện để cân bằng trở lại chưa mà phải nộp thuế…? Các doanh nghiệp cho rằng, nên tính đến việc giảm, miễn thuế chứ không chỉ gia hạn.
Các chuyên gia cho rằng, gói giãn thuế của Chính phủ chưa đủ mạnh để doanh nghiệp chống chọi với cơn bão này… Có thể Việt Nam cần tính đến kịch bản tiếp vào tháng 6 này, cần có một gói thứ 2 hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Trong nguy có cơ
Nhìn một cách tích cực, đây là cơ hội để các Bộ, ngành, địa phương có những đổi mới về chính sách để vực dậy doanh nghiệp; cơ hội để doanh nghiệp chuyển mình.
Chính phủ cần nghiên cứu đặt ra các tình huống, các kịch bản trên nhiều khía cạnh để phân tích đánh giá tác động của dịch bệnh, thiệt hại nền kinh tế và đưa ra các chính sách giải pháp phù hợp đảm bảo 3 yếu tố như đã phân tích là: an sinh xã hội, phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng.
Gói cứu trợ thứ nhất đã được hoạch định và đang đưa vào đời sống xã hội, hiện nay doanh nghiệp chưa thấy và chưa cảm nhận được bởi độ trễ chính sách, nhưng với tình hình dịch bệnh như hiện nay thì gói kích thích thứ 2 sẽ phải nhanh chóng ra đời và phải đảm bảo được đó là cú hích và là bệ phóng cho phát triển.
Doanh nghiệp lúc này không được hoảng sợ, phải bình tĩnh nhìn ra những khuyết điểm của chính nội tại doanh nghiệp trong chặng đường vừa qua, đội ngũ nhân viên phải đoàn kết (tính đoàn kết cực kỳ quan trọng trong gian nan). Hiện nay có nhiều quan điểm của các doanh nghiệp đưa ra như: doanh nghiệp cần ngủ đông, doanh nghiệp cần đổi mơi sáng tạo, doanh nghiệp cần điều chỉnh kế hoạch… tất cả đều đúng và có lý do, nhìn ở cái chung thì chúng ta dễ nhận biết và đánh giá: mạnh và yếu…
Phân tích thế mạnh, phân tích dịch vụ, phân tích các nguy cơ để xây dựng cho được một đường đi trong đó phải sửa chữa được lỗi của hệ thống và lỗi tài chính, lược bỏ các rủi ro về pháp lý giữa doanh nghiệp với nhà nước. Đối với bạn hàng, cần đánh giá đúng giá trị doanh nghiệp cả về vật chất lẫn hàm lượng chất xám, từ đó xây dựng mô hình phát triển mới thích ứng được với môi trường mới.
Một điều dễ nhận thấy là từ chính quyền, xã hội, doanh nghiệp qua thời covid nhận thức rằng cần đưa khoa học công nghệ 4.0 áp dụng vào quản trị sản xuất và điều hành doanh nghiệp để tiết kiệm chi phí, đơn giản hoá trong quản trị sản xuất kinh doanh. Như vậy cuộc cách mạng 4.0 qua thời covid sẽ được sử dụng triệt để, mạnh mẽ như vũ bão để đi vào đời sống, buộc các doanh nghiệp ngay từ bây giờ cần nhận biết và áp dụng internet về thủ tục hành chính, logictic, bán hàng (kể cả doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ) đối với doanh nghiệp sản xuất cần thay đổi công nghệ bằng: tự động hoá, điện tử hoá các khâu sản xuất để giảm chi phí nhân lực và giảm giá thành sản phẩm…
Các doanh nghiệp, cần bình tĩnh áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ mình trong cơn bão thị trường đón chính sách, đón xu hướng, đón cơ hội đó là vấn đề quan trọng. Nhưng lúc này chính các doanh nghiệp cần xích lại gần nhau tạo thành hệ sinh thái liên kết bền vững như dạng kinh tế tuần hoàn, kinh tế dịch vụ và kinh tế khoa học công nghệ. Trong hệ sinh thái này cần có mối liên kết cộng sinh mới mong bền vững vượt qua bão… Với mức độ gia tăng nhanh chóng dịch bệnh covid -19 như hiện nay, sẽ gây nên một tình huống tâm lý hoảng loạn chung của các nước trên thế giới, tạo ra nhiều sự ngưng trệ về hoạt động xã hội và hoạt động kinh tế.