Sáng 26/10, Viện Sức khỏe & Môi trường vì cộng đồng và Công ty CP Shinec đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá khả năng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong Khu Công nghiệp Việt Nam (Khảo sát mô hình điểm KCN Nam Cầu Kiền)”.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, khoa học, chuyên gia có uy tín như: TSKH Phan Xuân Dũng- Chủ tịch VUSTA; PGS.TS Trần Đình Thiên- Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nguyên Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết-Viện trưởng Viện KH&CN Môi trường, Giám đốc Trung tâm Tri thức Kinh tế tuần hoàn; PGS.TS Đặng Văn Thanh- Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Chủ tịch CLB Các nhà Công thương Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế- Ngân sách Quốc hội; GS. Viện sĩ Viện hàn lâm Y học Quốc gia Pháp Phạm Văn Thức…
Hội thảo nhằm công bố và lấy ý kiến xây dựng, hoàn thiện Đề tài nghiên cứu khoa học của Viện Sức khỏe & Môi trường vì cộng đồng; tuy nhiên, với nội dung đặt ra cũng như vấn đề tập trung nghiên cứu, cùng những thực tế từ mô hình Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền; những vấn đề đặt ra tại Hội thảo đã thật sự đáng quan tâm, là một cơ sở cho việc nghiên cứu, đưa ra mô hình và định hướng phát triển cho kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Kinh tế tuần hoàn là một khái niệm không mới, được nhắc tới nhiều trên thế giới và cũng đã được nhiều quốc gia triển khai thành công. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đây là một vấn đề mới, chưa có mô hình, bộ tiêu chí, cũng như chưa có DN nào thực sự xây dựng được. Như đánh giá của nhóm nghiên cứu, chúng ta thiếu cả cơ chế chính sách, lẫn việc triển khai thực tiễn cho kinh tế tuần hoàn.
Với đề tài khoa học này, mong muốn của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Sức khỏe & Môi trường vì cộng đồng là xây dựng kinh tế tuần hoàn thành một triết lý, gắn liền với sự sống của con người. Và hơn thế, là phác thảo một mô hình của kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, cũng như xây dựng 1 bộ tiêu chí về kinh tế tuần hoàn.
Theo ông Nguyễn Thiệu Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý, Viện trưởng Viện Sức khỏe & Môi trường vì cộng đồng, đề tài khoa học lần này gồm 4 chương: Chương I “Đánh giá tổng quan kinh tế tuần hoàn thế giới và Việt Nam”, Chương II ”Khả năng áp dụng kinh tế tuần hoàn trong KCN Việt Nam”, Chương III “Nghiên cứu và khảo sát thực tiễn mô hình điểm KCN sinh thái Nam Cầu Kiền trong việc áp dụng kinh tế tuần hoàn”, Chương IV “Xác định và đề xuất bộ tiêu chí mô hình kinh tế tuần hoàn trong KCN Việt Nam”.
“Đề tài khoa học có 3 điểm mới: Thứ nhất, về phương pháp nghiên cứu là phương pháp duy vật biện chứng, tiếp thu kinh tế tuần hoàn thế giới, nhưng phải phù hợp với kinh tế Việt Nam, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thứ hai, phạm vi nghiên cứu cũng mới, đó là nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn trong KCN Việt Nam, chứ không phải là nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn nói chung; cụ thể là KCN Nam Cầu Kiền- KCN của Việt Nam, đã đạt 8 tiêu chí trong Nghị định 82 của Chính phủ về KCN sinh thái và đang phát triển tiếp 4 tiêu chí, cũng là KCN sinh thái đầu tiên cho Việt Nam thực hiện. Và điểm mới cuối cùng, đó là mục đích nghiên cứu: Nghiên cứu và đưa ra bộ tiêu chuẩn về kinh tế tuần hoàn (KTTH) cho Việt Nam”, ông Nguyễn Thiệu Anh chia sẻ.
Đánh giá của nhóm thực hiện đề tài, KTTH đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu hiện nay, không chỉ vì mục tiêu môi trường, mà còn vì mục tiêu kinh tế. Cụ thể:
Một là, KTTH không đơn giản là xử lý và tái chế chất thải của quá trình sản xuất đang có mà hướng tới việc thiết kế lại toàn bộ hệ thống, quy trình sản xuất sao cho sử dụng hiệu quả nhất tài nguyên và chất thải tạo ra có thể tái sử dụng.
Hai là, KTTH là một phương thức để nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc tiết kiệm tài nguyên, sử dụng tài nguyên có hiệu quả hơn, đồng thời mở ra những cơ hội mới, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo trong những ngành, lĩnh vực mới.
Từ các nguyên lý trên, cho thấy bản chất của mô hình KTTH là trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Hay nói cách khác, mô hình KTTH chú trọng vấn đề quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, chất thải được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác, hướng đến không thải ra môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế.
KTTH không phải là xử lý chất thải, ngược lại, KTTH hướng tới việc “thiết kế chất thải” (Designing waste), tức là các quy trình sản xuất phải thay đổi ngay từ đầu, tính toán sao cho chất thải tạo ra sẽ có thể được tái sử dụng, tái chế ở mức độ cao nhất, trở lại thành đầu vào cho sản xuất. KTTH không phải là một mô hình đồng nhất cho cả nền kinh tế, mà trong một nền kinh tế có chứa nhiều mô hình KTTH (mô hình tuần hoàn vật liệu trong sản xuất sản phẩm, mô hình tuần hoàn trong chuỗi cung ứng, mô hình tuần hoàn trong tiêu dùng, trong cả những hành động nhỏ nhất,…); KTTH không phải là mục tiêu hướng đến mà là cách thức, là con đường để hướng đến phát triển bền vững. Vì thế, chưa có tiêu chí nào để xác định hay đánh giá một quốc gia, một thành phố “đã là KTTH hay chưa”. Các chỉ tiêu, chỉ số về KTTH hiện nay là các chỉ tiêu để theo dõi quá trình thực hiện KTTH, chứ không phải để đánh giá, xếp hạng.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, việc áp dụng mô hình KTTH là phương thức ưu việt, phù hợp và đúng đắn với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong chiến lược vì mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, KTTH sẽ song hành với các chương trình chiến lược như kinh tế xanh, sản xuất sạch… góp phần vừa phát triển kinh tế, vừa BVMT.
Thực hiện mô hình KTTH sẽ giải quyết được nhiều nội dung trong 17 mục tiêu của phát triển bền vững (SDGs), giúp các doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu đầu vào và giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế tổng thể lớn nhất. Đồng thời, ở Việt Nam, thực hiện mô hình KTTH thông qua tái sử dụng, tái chế chất thải và nguyên vật liệu, còn giải bài toán thất nghiệp, dư thừa lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhờ vào quỹ việc làm được bổ sung do sự liên kết cộng sinh và mở rộng các ngành nghề, lĩnh vực; sự tiếp thu, đào tạo và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Shinec (Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền) cho biết: KCN Nam Cầu Kiền được xây dựng cách đây 10 năm, đến nay đã tập trung nhiều DN với nhiều ngành nghề khác nhau, sống “cộng sinh” trong KCN; nhờ đó đã tạo ra các giá trị gia tăng cho các DN, đồng thời góp phần giải quyết bài toán rác thải của KCN. Hiện nay KCN không có rác thải ra, mà tất cả đã trở thành hàng hóa.
Cũng theo ông Phạm Hồng Điệp, hoạt động của KCN đã bám sát tiêu chí của Nghị định 82, nhằm giải bài toán về quy hoạch cây xanh, xã hội, lao động, cảnh quan. Trong giai đoạn từ năm 2018-2020, lãnh đạo KCN đã nghiên cứu các mô hình kinh tế tuần hoàn, đồng thời hợp tác với 1 thành phố của Nhật Bản để hình thành tư duy và cách tiếp cận mô hình về KCN sinh thái. Đồng thời, tuân thủ các tiêu chí về bảo vệ môi trường trong Nghị định 40 của Chính phủ về bảo vệ môi trường…. Nhờ đó, các vấn đề về an toàn lao động, an toàn PCCC, kiểm soát chất thải… đã được triển khai và kiểm soát bằng hệ thống online.
Đánh giá của nhóm thực hiện đề tài, trong nội tại KCN Nam Cầu Kiền đã có định hướng toàn diện và đang trong lộ trình thực hiện từng nội dung của KTTH. Và với bối cảnh hiện nay tại KCN Nam Cầu Kiền, hoàn toàn có thể xây dựng mô hình điểm về KTTH để nhân rộng ra cả nước.
Nguồn: