Như nhà thơ Vũ Trọng Thái (Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng) chia sẻ, giới thiệu về Phạm Hồng Điệp tại tọa đàm: “Có thể gọi anh là doanh nhân, hiển nhiên là như vậy bởi anh là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, chủ đầu tư KCN sinh thái Nam Cầu Kiền ở Hải Phòng. Nhưng anh cũng là một luật sư, nhà hoạt động môi trường. Những điều này hẳn mọi người đều đã được nghe, được biết và cảm nhận. Phạm Hồng Điệp còn là một chuyên gia kinh tế vĩ mô, rồi giảng viên quản trị rủi ro. Vẫn chưa hết, bây giờ anh còn lấn sân sang cả sân chơi “sâu bít” khi làm thơ, rồi tổ chức các đêm nhạc thật hoành tráng. Bởi vậy, thay cho những lời giới thiệu dài dòng, tôi xin gọi anh bằng 7 chữ đơn giản mà đủ ý: Phạm Hồng Điệp – Người truyền cảm hứng”.

Cuộc tọa đàm về thơ – nhạc Phạm Hồng Điệp có rất nhiều điều đặc biệt. Đó là một cuộc tọa đàm, hay có thể gọi là cuộc nhàn đàm về thơ, nhưng diễn ra ở một khu công nghiệp. Mà bản thân khu công nghiệp này cũng đặc biệt, đó là một khu công nghiệp sinh thái do người Việt đầu tư, với cảnh quan như một công viên, khu sinh thái giữa những nhà máy, công ty. Hơn nữa, “nhân vật chính” lại là một doanh nhân, điều ít gặp trên thi đàn Việt Nam. Mà trong kho tàng thơ – nhạc mới tích tụ của Phạm Hồng Điệp, nhiều bài viết về doanh nghiệp, về Shinec và Nam Cầu Kiền. Có lẽ bởi những điều đặc biệt như vậy mà cuộc tọa đàm đầu Xuân mới Quý Mão đã thu hút được nhiều “cây đa cây đề” trong làng thơ, nhạc. Đó là Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha; Nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang; Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng; Nhà thơ Kim Chuông; Nhạc sĩ Duy Thái – Hội viên hội nhạc sĩ Việt Nam – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hải Phòng; Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự – Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật; Nhà báo Nguyễn Quốc Hải – Viện trưởng Viện Đào tạo – Tư vấn và Phát triển kinh tế IDE… và các bạn thơ, nhạc sĩ, ca sĩ ở các tỉnh, thành.

Không khí ấm cúng, thân tình và đầy chất thơ, tiếng nhạc đã được ban tổ chức khéo léo truyền tải tới những người dự tọa đàm. Những lời phê bình, nhận xét duyên dáng về thơ và nhạc Phạm Hồng Điệp đã giúp tọa đàm đi sâu, làm rõ con người thơ – doanh nhân và hành trình bén duyên với thơ – nhạc của Phạm Hồng Điệp.

Nhà thơ Thụy Kha cho rằng, Phạm Hồng Điệp đã có sự chân thực trong thơ, anh trân trọng những hạt muối, đồng muối Ninh Thuận và truyền tải qua bài “Gừng cay muối mặn”. Thơ anh mang tính hứng khởi. Cũng theo nhà thơ Thụy Kha, viết thơ, làm văn về doanh nghiệp, doanh nhân là rất khó. Tuy nhiên, Phạm Hồng Điệp đã vượt qua được điều đó, thể hiện ở ngay ca khúc Shinec tuổi 20 rất thành công và được khán giả đón nhận.

Còn nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang, bằng sự duyên dáng của mình đã chia sẻ, người yêu thơ là những người lương thiện, đắm say với cái đẹp, tình yêu và đời thường. Thơ là sự chân tình và điều này đã và đang có rất nhiều trong thơ Phạm Hồng Điệp. Anh như cậu bé mới lớn lên giữa vườn thơ, hồ hởi với cuộc đời. Thơ Phạm Hồng Điệp đã gạn lọc được những ngôn từ sang trọng, đẹp một cách cổ kính. Đây cũng là nguồn năng lượng mới để doanh nhân Phạm Hồng Điệp có sinh khí mạnh mẽ, đưa doanh nghiệp thêm phát triển.

Nhà báo lão thành Đỗ Quảng, một cây phóng sự lẫy lừng của báo Nhân Dân, mặc dù tuổi đã cao nhưng đã vượt hàng trăm km để về với Nam Cầu Kiền dự tọa đàm. Ông đã chia sẻ về sự tương ngộ giữa ông và Phạm Hồng Điệp và sức hút của thơ Phạm Hồng Điệp với sự ấm áp, chân tình.

Bày tỏ sự quý mến và ngưỡng mộ đối với doanh nhân tài năng Phạm Hồng Điệp, nhà thơ Kim Chuông – hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Bình chia sẻ: “Tôi gọi Phạm Hồng Điệp là thi nhân trong nét vượt trội là “Người thơ” nhiều hơn. Bởi Phạm Hồng Điệp không phải là thi sĩ chuyên nghiệp. Anh không đặt cược cả đời mình vào công cuộc lao động, sáng tạo thi ca. Không lấy thơ để tỷ thí, vinh danh. Thơ không phải là khung trời anh tung hoành, ngụp lặn. Không phải là mảnh vườn anh “đặt cược” trong cấy gieo, trong thầm mong, gửi những hạt vàng thơm lưu về hậu thế. Thơ Phạm Hồng Điệp là những lát cắt của khoảnh khắc thơ vụt hiện.

Với nhà báo Quốc Hải, Viện trưởng Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE), người đã có nhiều năm gắn bó với sự hình thành, phát triển của Công ty Shinec nói chung và nhà thơ Phạm Hồng Điệp nói riêng, thì chất thơ trong tâm hồn thi ca của doanh nhân Đất Cảng này được rút ra từ những lăn lộn, trả giá với cuộc đời.

Những áp lực của cuộc sống doanh nhân đã khiến Phạm Hồng Điệp dường như “quên” mất người thơ trong mình. Để rồi khi đã có độ chững nhất định, anh toát lên một phong cách thơ dung dị, đáng yêu.

Được biết, hiện nay doanh nhân Phạm Hồng Điệp đã có cho mình một “cơ ngơi” thơ – nhạc khá đồ sộ. Trong đó có 57 tác phẩm đã được phổ nhạc, lan tỏa trên bình diện công chúng yêu thơ cả trong và ngoài nước. Có thể nói, thơ Phạm Hồng Điệp không chỉ “vịn” vào khu công nghiệp xanh, mà anh còn vịn vào câu thơ để đứng dậy, thanh lọc tâm hồn, tưới mát những nghĩ suy để làm xanh thêm nền kinh tế và xanh thêm cuộc đời.

Tọa đàm “Thơ – nhạc Phạm Hồng Điệp và những người bạn” được tổ chức không chỉ là một sự kiện gặp gỡ, giao lưu đơn thuần mà còn là những câu chuyện về tác giả và tác phẩm, khắc họa nên bức tranh sinh động về tâm hồn, về cuộc sống của một doanh nhân, và những đóng góp của một nhạc sĩ đối với đời sống nghệ thuật thành phố Cảng.

DUY KHÁNH – BÁO KINH DOANH VÀ PHÁT TRIỂN

Nguồn: