(KDPT) – Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 vừa được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Chúng ta phải xác lập để xây dựng hệ sinh thái văn hóa mà bao trùm xuyên suốt là xây dựng cho được một môi trường văn hóa, tiếp cận theo hướng chọn việc, chọn điểm, chọn lĩnh vực và ưu tiên vấn đề văn hóa doanh nghiệp và doanh nhân”. Nhận thức rõ điều đó, ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Shinec (Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, Hải Phòng) đã có bài chia sẻ về vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong việc tạo niềm tin và gắn kết tập thể tại một hệ sinh thái cộng sinh.
KINH DOANH VÀ PHÁT TRIỂN xin giới thiệu toàn văn bài viết:
Văn hoá là nền tảng tinh thần và là mục tiêu, động lực điều tiết các mối quan hệ trong doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đó cũng là những tiêu chí tiên quyết trong việc xây dựng thương hiệu cho một doanh nghiệp, giá trị sản phẩm cho người tiêu dùng, từ đó quyết định đời sống của doanh nghiêp cũng như đời sống sản phẩm được người tiêu dùng sử dụng lâu hay chóng.
Nhận thấy tầm quan trọng của văn hoá doanh nghiệp, ngày từ những ngày đầu thành lập Công ty Cổ phần Shinec xác định xây dựng văn hoá doanh nghiệp là trục xuyên tâm của sự tồn vong doanh nghiệp. Chính vì vậy, Shinec đã gây dựng được nền tảng vững chắc trên mọi lĩnh vực, tinh thần như văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao (rèn luyện thể chất) cho cán bộ công nhân viên, luôn vận động đổi mới sáng tạo trong mọi hoạt động để tăng năng xuất lao động, tăng sự gắn bó đoàn kết mọi thành viên trong doanh nghiệp tạo sự ổn định về nhân sự và sự thăng tiến trong công việc. Điều đó đã làm tăng ý chí kiên định của cán bộ công nhân viên vượt qua khó khăn, cản trở để đưa Công ty phát triển. Minh chứng qua thực tế, trong đầu tư các dự án đều đảm bảo không đánh đổi môi trường lấy sự tăng trưởng kinh tế. Một trong các dự án đầu tư lớn của Shinec đó là dự án KCN sinh thái Nam Cầu Kiền với tiêu chí trở thành Khu công nghiệp sinh thái đầu tiên của Việt Nam do người Việt Nam đầu tư, đem niềm tự hào từ Hải Phòng để truyền cảm hứng đến với các nhà đầu tư trong cả nước có cách nhìn đầu tư bền vững, đầu tư cho tương lai phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường từ đó tạo ra nhiều hệ sinh thái cộng sinh đem niềm hạnh phúc đến cho mọi người.
Đối với một KCN bên cạnh việc xây dựng văn hóa từng doanh nghiệp là điều không thiếu thì để có thể gắn kết cả một cộng đồng, cần xây dựng văn hóa cho cộng đồng các doanh nghiệp. Hiểu được điều đó, Nam Cầu Kiền đã tập hợp sức mạnh của các nhà đầu tư bằng việc xây dựng câu lạc bộ doanh nhân Eco Nam Cầu Kiền bao gồm các Chủ đầu tư, giám đốc các doanh nghiệp để tạo sân chơi bình đẳng, hiểu biết chung sống với nhau hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn và trong việc chia sẻ nguồn nhân lực, từ đó tạo ra mối quan hệ cộng sinh giữa các doanh nghiệp trong KCN. Điều này đã mang đến những hiệu quả thiết thực trong việc tiết giảm chi phí sản xuất thông qua cắt giảm chuỗi cung ứng logictics, cắt giảm tối đa chi phí nguyên liệu, phí lưu thông nhằm tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp. Câu lạc bộ thường xuyên có các cuộc trao đổi, hội thảo để tăng tình đoàn kết, giao lưu thể thao, tổ chức giao lưu văn nghệ quần chúng trong toàn kcn để người lao động gắn bó hơn, yêu nơi làm việc hơn và tạo tính cộng đồng cao trong hệ sinh thái doanh nghiệp.
Song song với Câu lạc bộ của các Nhà đầu tư, Nam Cầu Kiền còn thành lập Câu lạc bộ Eco Nam Cầu Kiền trẻ bao gồm các kỹ sư, nhân viên kỹ thuật làm việc tại các nhà máy trong KCN cùng tổ chức nghiên cứu khoa học, nghiên cứu các đề tài kỹ thuật tại từng nhà máy từ đó nâng cao năng xuất lao động, nâng cao kỹ năng nghiêp vụ của từng nhân viên, hun đúc sự khát vọng làm giàu cho từng cá nhân, làm giàu cho doanh nghiệp và khát khao phấn đấu trở thành các doanh nhân trong tương lai. Câu lạc bộ Eco trẻ tạo ra một sức bật rất lớn trong các phong trào học tập, phong trào bảo vệ môi trường, sáng kiến, sáng tạo làm lợi nhiều tỷ đồng cho các chủ đầu tư đó là những việc làm thiết thực không viển vông bởi một giá trị văn hoá mà Nam Cầu Kiền đã kiến tạo cho cộng đồng người lao động.
Ngoài việc chú trọng xây dựng giá trị phẩm chất, giá trị gia tăng cho người lao động, KCN Nam Cầu Kiền còn đặc biệt chú trọng xây dựng các công trình văn hoá mang tính biểu tượng và không gian cảnh quan sinh thái để các thế hệ người lao động, các đoàn khách tham quan học tập, học sinh các trường THPT, sinh viên đại học, các lớp đào tạo CEO, CFO, thạc sĩ đến để học tập, nghiên cứu và tham gia vào lực lượng lao động.
Đó là các công trình Vườn Kỷ Vật của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, lấy tư tưởng “dĩ công vi thượng” và tư tưởng xây dựng kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường của Đại Tướng làm cách giáo dục cho thế hệ trẻ luôn biết khát khao làm giàu để phát triển bền vững. Hoặc có thể kể tới công trình Nhà máy xử lý nước thải xây dựng thành cảnh quan phố Nhật, công trình phụ trợ thành Vườn Nhật, đem đến một niềm cảm hứng bất tận cho mọi người biến điều không thể thành điều có thể mang biểu tượng văn hoá môi trường cho KCN mà khó có nơi nào có được, từ đó các áng văn thơ, các bài hát được phổ nhạc tạo nên một tài sản văn hoá phong phú động viên người lao động hăng say làm việc hăng say sáng tạo… (sáng tạo trong môi trường bền vững) đó là một sologan mà ai ai cũng thuộc lòng. Văn hoá bắt nguồn từ “lao động sáng tạo – lao động sáng tạo làm lên văn hoá” đó là triết lý tương hỗ nhau để xây dựng một giá trị văn hoá doanh nghiêp bền chăt và thiết thực.
Từ giá trị văn hoá chung của KCN các doanh nghiệp đều xây dựng được chiến lược chăm lo cho người lao động một cách hiệu quả có thể kể tới như: Đáp ứng chế độ chính sách cho người lao động một cách đầy đủ, tốt nhất, chăm lo đến việc bảo hộ lao động, các chế độ bảo hiểm, chế độ cho lao động nữ, chế độ hưu trí, thất nghiệp …, ngoài ra người lao động còn được hưởng nhiều chế độ khác biệt như hỗ trợ khó khăn, hỗ trợ chỗ ở, phương tiện đi lại cho người lao động yên tâm làm việc, không ai bị bỏ rơi, rất nhiều, rất nhiều những hành động gắn bó giữa người chủ sử dụng lao đông và người lao động để xây dựng nét văn hoá riêng của một KCN sinh thái mang đậm nét Việt Nam.
Để xây dựng môi trường làm việc có văn hoá, trước hết là chủ doanh nghiệp phải đầu tư nhiều nguồn lực để xây dựng lên giá trị vô hình và giá trị này cũng là biểu tượng làm lên thương hiệu mạnh, giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững, để giúp cho các doanh nghiệp nhìn rõ giá trị văn hoá và nhà nước cũng thấy được doanh nghiệp vững mạnh thì nền kinh tế mới vững mạnh.
Nên cần có chính sách cho phép những chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp đầu tư cho con người được hạch toán vào chi phí lưu thông của giá trị sản phẩm bán ra đồng thời khuyến khích doanh nghiệp mạnh mẽ xây dựng nền tảng cho giá trị văn hoá doanh nghiêp, từ đó định dạng được giá trị thương hiệu, giá trị doanh nghiệp bao gồm cả giá trị con người, trong đó hàm lượng chất xám, tiêu chí gắn bó và giá trị văn hoá là tài sản của doanh nghiệp định giá giá trị bằng tiền theo luật, có như vậy doanh nghiệp sẽ chú trọng và đảm bảo doanh nghiệp chắc chắn có hành lang pháp lý để phát triển giá trị văn hoá doanh nghiệp giúp cho xã hội phát triển lành mạnh, đất nước phồn thịnh xã hội phát triển vững chắc từ chính nền tảng văn hoá mà mỗi cá nhân, mỗi con người Việt Nam tạo dựng.
PHẠM HỒNG ĐIỆP
Nguồn: //kinhdoanhvaphattrien.vn/